Chuyên mục cải cách hành chính

Cải cách hành chính nhìn từ Chỉ số PAR Index

16/09/2020 03:39 145 lượt xem

 BHG - Theo công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư của Bộ Nội vụ hồi tháng 5 vừa qua cho thấy: Hà Giang xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố, giảm sâu 20 bậc so với năm 2018. Trước kết quả này, tỉnh ta thẳng thắn nhận diện hạn chế trên cơ sở phân tích khoa học kết quả Chỉ số PAR Index để có giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index năm 2020.

Cán bộ Ban Tổ chức – Nội vụ Bắc Quang tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index.
Cán bộ Ban Tổ chức – Nội vụ Bắc Quang tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index.

Để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan kết quả cải cách hành chính (CCHC), PAR Index chính là công cụ đắc lực. Từ chỉ số này, xác định rõ ưu, khuyết điểm trong thực hiện CCHC để các bộ, ngành, địa phương đề ra giải pháp xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả… Chỉ số PAR Index năm 2019 được xác định dựa trên kết quả điểm đánh giá 2 nhóm tiêu chí, bao gồm: Kết quả thực hiện CCHC với 7 chỉ số thành phần và đánh giá tác động của CCHC trên 3 nhóm tiêu chí, cụ thể là: Đánh giá của người dân, doanh nghiệp (kết quả SIPAS); đánh giá của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và đánh giá mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Qua đánh giá, tỉnh ta đạt 79,23 trên thang điểm 100 và xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù tăng 2,39 điểm nhưng Chỉ số PAR Index giảm sâu 20 bậc so với năm 2018 (đạt 76,84 điểm và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố)…

Phân tích Chỉ số PAR Index năm 2019 của tỉnh cho thấy, nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần tăng điểm, thậm chí đạt điểm tuyệt đối. Ví như chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC”, 4/6 tiêu chí được điểm tối đa. Hoặc nội dung “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)” được đánh giá trên 4 tiêu chí, như: Theo dõi thi hành pháp luật, xử lý VBQPPL sau rà soát hệ thống hóa; xử lý văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra… thì các tiêu chí này đều đạt điểm tối đa, đưa tỉnh ta xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, công tác xây dựng VBQPPL tại địa phương về cơ bản đã tuân thủ các quy định của VBQPPL cấp trên... Đặc biệt, nội dung về “Cải cách thủ tục hành chính” (TTHC), tỉnh ta tăng 8,51% và tăng 20 bậc, đạt 95,82%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành. Đây là kết quả minh chứng cho việc thực hiện tốt kiểm soát quy định TTHC; công bố công khai TTHC và kết quả giải quyết hồ sơ; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hiệu quả giải quyết hồ sơ, TTHC và công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh...

Thời gian qua, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ CCHC tại địa phương, song kết quả chưa như kỳ vọng. Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR Index năm 2019 chậm cải thiện và xuống hạng. Hạn chế này được tỉnh ta thẳng thắn nhận diện, đó là: Sáng kiến, giải pháp mới về CCHC chưa có sức ảnh hưởng lớn nên chưa đạt điểm. Còn 13 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thành muộn so với thời gian quy định. Hơn nữa, việc công bố TTHC một số lĩnh vực, như: Công thương, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường... chưa kịp thời theo quy định; vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn, chưa tổ chức đánh giá chất lượng giải quyết TTHC ở cấp xã. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo chưa hợp lý: Số lượng lãnh đạo từ cấp Phó phòng trở lên tại 45 phòng thuộc 16 sở, ngành; 10 phòng thuộc 8 huyện/thành phố xảy ra tình trạng bằng hoặc nhiều hơn chuyên viên. Đặc biệt nội dung: “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, tỉnh ta có 4/9 tiêu chí đạt điểm tối đa nhưng 5 tiêu chí bị trừ điểm. Trong đó, tiêu chí mất nhiều điểm nhất chính là tỉnh ta để xảy ra 88 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngoài ra, việc vận hành Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu về tính năng, kỹ thuật theo quy định. Báo cáo phát triển Chính phủ điện tử chưa có số liệu về hiện trạng xử lý hồ sơ một cửa điện tử, chưa cung cấp đầy đủ tài liệu để kiểm chứng Cổng dịch vụ công đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định…

Nhận diện rõ hạn chế thông qua phân tích Chỉ số PAR Index; tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cụ thể để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAR Index năm 2020. Kế hoạch này đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì và nâng cao các nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số PAR Index đã đạt điểm và thứ hạng từ nhóm B trở lên (tương ứng 80% đến dưới 90%). Cùng với đó, cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế năm 2019, phấn đấu Chỉ số PAR Index tỉnh Hà Giang năm 2020 thuộc tốp giữa nhóm B, thay vì nhóm C như hiện nay.

Bài, ảnh:  PHƯƠNG THÙY


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập