Chuyên mục cải cách hành chính

Cải cách hành chính tỉnh Hà Giang năm 2016, quyết liệt và hiệu quả

06/06/2017 01:17 253 lượt xem

Chiều ngày 30-5-2017, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chỉ số CCHC năm 2016 tỉnh Hà Giang xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2015 (57/63). Đây là bước tiến vượt bậc của Hà Giang; là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

Trước hết, về công tác lãnh đạo, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/4/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 04-NQ/TU). Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành một nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác cải cách hành chính. Nó thể hiện sự quan tâm đúng mức của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh; thể hiện tầm quan trọng của cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nghị quyết đã đánh giá khách quan thực trạng về công tác cải cách hành chính nhà nước trong giai đọa 2010-2015; đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để lãnh đạo công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn đến năm 2020.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 15-CTr/TU ngày 19/4/2016 thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 31/5/2016 về tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, ban thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về công tác cải cách hành chính.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình cụ thể, cấp ủy các cấp đã ban hành các nghị quyết, chương trình cụ thể để lãnh đạo công tác cải cách hành chính.

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 52/2016/NQ-HĐND, ngày 11/12/2016 về quy định mức chi bảo đảm công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 169/2014/NQ-HĐND). Nghị quyết là căn cứ pháp lý để các cấp các ngành bảo đảm nguồn lực về tài chính cho công tác cải cách hành chính, phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính trong giai đoạn đến năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Giang giai đoạn II (2016-2020) và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Giang năm 2016. Trên cơ sở kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố xây dựng,  triển khai và tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính.

Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã thực hiện tốt Kế hoạch cải cách hành chính của ngành, địa phương mình; đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2016 của tỉnh.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính được kiện toàn, rút gọn về thành phần, rõ về nhiệm vụ và qui chế hoạt động. Thành lập tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo nhằm duy trì hoạt động thường xuyên. Ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh có tổ giúp người đứng đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Ban hành và thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND, của UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.  Công khai hòm thư điện tử của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành để tiếp nhận và chỉ đạo xử lý các thông tin từ các tầng lớp nhân dân.

Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực cải cách hành chính, có thể khẳng định chưa có năm nào, tỉnh Hà Giang chỉ đạo quyết liệt, toàn diện về công tác cải cách hành chính như năm 2016 ( Ban hành trên 50 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo ở các lĩnh vực của cải cách hành chính).

Chính vì vậy, trong năm 2016 tỉnh Hà Giang đã đạt được kết quả to lớn, toàn diện trong cải cách hành chính.

Công tác tuyên truyền về cải cải hành chính được thực hiện đồng bộ, đa dạng, có chiều sâu như: phối hợp với Trung tâm truyền hình Báo Nhân dân xây dựng phóng sự chuyên đề về cải cách hành chính; xây dựng chuyên mục “Dân hỏi, lãnh đạo trả lời” Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; tăng thời lượng, số lượng đưa tin, chuyên mục trên truyền hình, báo. Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật, cung cấp kịp thời các thông tin hoạt động lãnh, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, tin tức thời sự, chính trị nổi bật trong tỉnh, trong nước và quốc tế với 1.660 tin, bài; cập nhật 11 số công báo điện tử của UBND tỉnh, 547 văn bản điều hành của UBND tỉnh; cập nhật mới, sửa đổi, hủy bỏ 534 TTHC của các sở, ngành; cập nhật 33 dự án mời gọi đầu tư; xây dựng 09 baner tuyên truyền; cập nhật địa chỉ email của các đơn vị và cá nhân... UBND thành phố Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang  tổ chức Hội thi tìm hiểu CCHC lần thứ II...

Trong lĩnh vực hoàn thiện thế chế, trong năm đã ban hành 40 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó 19 nghị quyết, 21 quyết định) nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, tiếp tục hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hà Giang; Nghị quyết thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Hà Giang; Nghị quyết ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết thông qua Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020; Nghị quyết thông qua kết quả rà soát; điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang năm 2020, định hướng đến năm 2030…UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản QPPL phục vụ công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Công tác cải cách thủ tục hành chính có cách làm sáng tạo, đột phá như: thành lập tổ chuyên gia gồm những người nguyên là lãnh đạo các sở, ban ngành, các doanh nghiệp tham gia rà soát các bộ thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính đã được rút ngắn về thời gian như: Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã thực hiện giảm 30% ; Sở Lao động thương binh và Xã hội rút ngắn 20 -30%,  Sở Công thương đã rút ngắn thời gian giải quyết đối với 57/102TTHC cấp tỉnh, cá biệt có TTHC rút ngắn tới 65% thời gian... Thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh, ở thành phố và huyện Bắc Mê đã tạo ra bước đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính, được người dân đánh giá cao. Tỷ lệ các hồ sơ do các sở, ban, ngành cấp tỉnh giải quyết trong năm đạt gần 98%, cấp huyện đạt 99,66%.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt kết quả toàn diện: Hoàn thành việc kiện toàn chức năng nhiệm vụ 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; hướng dẫn triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Sau khi sáp nhập, kiện toàn đã giảm 13 đơn vị (trong đó 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các tổ chức Chính trị - Xã hội). Công tác quản lý biên chế được thực hiện đúng quy định.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều đổi mới: Hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của 18 sở, ngành, 11 huyện, thành phố. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và thực hiện đúng quy định về cơ cấu công chức theo vị trí việc làm; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức theo vị trí việc làm đã được xác định. Thực hiện việc giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ( Giảm trên 12000 người, giảm khoảng 33,6 tỷ đồng). UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC từ năm 2016-2021; trong năm, đã thực hiện tinh giản biên chế được 189 trường hợp.

Công tác đào tào, bồi dưỡng được đẩy mạnh, đã mở 86 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ với tổng số 8.443 lượt người, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch. Riêng tập huấn nghiệp vụ cải cách hành chính đã tổ chức được 02 lớp/302 học viên tại huyện Vị xuyên và huyện Bắc Mê.

Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC được đặc biệt quan tâm. Thực hiện nghiêm túc việc không uống rượu buổi trưa; không ăn uống khi tổ chức các Hội nghị; tiết kiệm trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm, khai trương; thực hiện qui định về sử dụng xe công (đi xe chung khi đi công tác có nhiều người). Thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng thực thi công vụ trong các cơ quan, đơn vị. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 07 sở; các phòng chuyên môn và một số xã, thị trấn thuộc 03 huyện, thành phố. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Trong cải cách tài chính công, tiếp tục  triển khai tốt các chính sách cải cách về thuế, thu nhập, tiền lương, tiền công và các chính sách an sinh xã hội; thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện đại hóa hành chính tiếp tục có bước đột phá: Các ngành, các cấp đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Cơ bản các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm; số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 1.085 trạm (601 trạm 2G, 484 trạm 3G); tỷ lệ xã, phường thị trấn có sóng 3G tại trung tâm đạt trên 85%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%;  tỷ lệ máy tính trên CBCCVC tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 92%; tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt 95,8%. Đã cấp trên 11.055 hộp thư điện tử; duy trì và thay đổi tin nhắn thương hiệu (Brandname) gắn với địa chỉ thư điện tử của 15 đồng chí Lãnh đạo tỉnh trên hệ thống thư điện tử công vụ; cấp 1.664 chứng thư số. Triển khai đưa vào sử dụng thống nhất phần mềm Quản lý văn bản điều hành điện tử (VNPTiOffice) trên địa bàn toàn tỉnh, 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã phường, thị trấn sử dụng phần mềm Quản lý văn bản điều hành điện tử (VNPTiOffice) với 2.848 văn bản điện tử/ngày. Tổng số TTHC được tin học hóa đáp ứng mức độ 3 gồm 1.281 thủ tục. Hệ thống cổng/trang thông tin điện tử được triển khai và đưa vào hoạt động hiệu quả. Đến nay có 01 cổng thông tin điện tử của tỉnh, 48 trang thông tin điện tử thành phần của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 195 trang thông tin điện tử thành phần của các xã, phường, thị trấn....

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng những kết quả quan trọng, toàn diện nói trên đã tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong năm 2016. Chính vì vậy, chỉ số CCHC năm 2016 tỉnh Hà Giang xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2015.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập