Chuyên mục cải cách hành chính

Chính quyền địa phương phải nỗ lực cải cách nhiều

09/04/2018 02:47 171 lượt xem

Kết quả nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2017 (PAPI 2017) công bố sáng nay (4/4/2018) cho thấy, đã có nhiều tiến bộ về "kiểm soát tham nhũng ở khu vực công” và “cung ứng dịch vụ công”... Tuy nhiên, điểm nội dung “sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và “trách nhiệm giải trình” của chính quyền vẫn rất thấp.

PAPI là một khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam đo lường hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách ở cấp tỉnh dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hợp tác thực hiện thường niên kể từ năm 2011 đến nay. Báo cáo PAPI 2017 phản ánh ý kiến của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2017 cho thấy: Các chỉ số nội dung như: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính; công khai, minh bạch; cung ứng dịch vụ công”, có xu hướng cải thiện ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, chỉ số “kiểm soát tham nhũng” có sự cải thiện điểm số mạnh nhất.

Điểm kiểm soát tham nhũng của PAPI năm 2017 đạt 6,15 điểm so với mức 5,8 điểm của năm 2016. Đây là một sự chuyển biến rất tích cực, vì kể từ năm 2013 đến năm 2017 chỉ số này của PAPI liên tục giảm. Điều này phản ánh rõ hơn công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đang diễn ra quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Tỷ lệ người dân trả lời khảo sát PAPI 2017 cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 17%, đã giảm so với mức 23% của năm 2016; tỷ lệ người dân cho biết phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công cấp huyện/quận cũng đã giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9% năm 2017... Tuy nhiên, việc kiểm soát tham nhũng người dân vẫn mong muốn khu vực công cần tiếp tục nỗ lực, duy trì và thực hiện có hiệu quả hơn. Bên cạnh nội dung “kiểm soát tham nhũng”, nội dung “cung ứng dịch vụ công” cũng có cải thiện đều qua các năm.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo - Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:PAPI là một công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền các địa phương dưới góc nhìn phản ánh, đánh giá khách quan của người dân. Nhiều cơ quan trung ương đã sử dụng PAPI như một công cụ hữu hiệu để giám sát thực hiện chính sách của Nhà nước tại các địa phương. Nhiều địa phương đã coi PAPI là một động lực để đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Ngoài xu hướng tích cực, ông Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc CECODES - thành viên nhóm nghiên cứu PAPI 2017 cho biết, chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” của cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước vẫn rất thấp. Ở nội dung này, 5 tỉnh có điểm cao nhất là Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên cũng mới chỉ đạt mức từ 6 - 6,4 điểm trên thang điểm 10.

Những tỉnh/thành phố có điểm chỉ số nội dung “sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” thấp nhất đó là Bình Dương, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, đặc biệt bao gồm cả TP. Hồ Chí Minh, bình quân chỉ đạt từ 3,4 - 4,8 điểm tính trên thang điểm 10. Nhiều tỉnh khác ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên… cũng có điểm ở nội dung này thấp.

Bước lùi trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở thể hiện ở chỗ, người dân ít biết cán bộ cơ sở vị trí nào do dân bầu, vị trí nào do Nhà nước cử. Tỷ lệ người dân cho biết đóng góp vào việc xây mới/tu sửa các công trình công cộng được địa phương ghi chép vào sổ sách của xã/phường… giảm so với khảo sát năm 2016. Tỷ lệ người có dịp đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế/tu sửa, xây mới công trình công cộng giảm từ 36% năm 2016 xuống còn 33% năm 2017.

Về trách nhiệm giải trình với người dân, PAPI 2017 cho thấy, có 5 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở nội dung này gồm Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Lào Cai, Vĩnh Long, song cũng mới chỉ đạt từ 5,56- 6,25 điểm trên thang điểm 10. Các tỉnh có điểm số nội dung này thấp nhất gồm Lai Châu, Gia Lai, Bắc Kạn, Đắk Nông, Trà Vinh, mức điểm trung bình chỉ từ 4,1 - 4,43 điểm trên thang điểm 10. Nhiều địa phương ở Tây Bắc, Tây Nguyên… điểm ở nội dung này còn thấp.

Bước lùi trong thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân ở chỗ, tỷ lệ người dân cho biết hài lòng với các cuộc gặp và làm việc với cán bộ, chính quyền giảm từ 83% năm 2016 xuống còn 81% năm 2017. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của họ đối với chính quyền địa phương giảm từ 68% năm 2016 xuống chỉ còn 33% năm 2017.

So sánh tổng thể PAPI 2017 với PAPI 2016 cho thấy, có 7/63 tỉnh, thành phố tăng điểm đáng kể, trong đó điểm tổng thể PAPI 2017 của Bạc Liêu, Quảng Ninh và Trà Vinh tăng nhiều nhất (trên 8 điểm %), tiếp đến Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang... Có 11 tỉnh, thành phố vẫn duy trì được vị trí tại nhóm có điểm số PAPI cao từ năm 2016 sang năm 2017 như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Quảng trị, Đà Nẵng, Đồng Tháp…

Điều đáng lưu ý là còn có khoảng cách rất lớn giữa điểm PAPI của tỉnh xếp cao nhất mới đạt 39,52 điểm so với thang điểm tối đa mong đợi là 60 điểm. Tổng quan PAPI 2017 cho thấy một thông điệp rằng, chính quyền các địa phương vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập